Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
Nhắn gửi các tuyển thủ Việt Nam: Vì tất cả, xin cảm ơn những chàng trai trẻ
(Cập nhật ngày: 14/12/18 01:46 PM)
 
Nhắn gửi các tuyển thủ Việt Nam: Vì tất cả, xin cảm ơn những chàng trai trẻ

Cuối cùng, đã không có trận bão nào càn quét đường phố Hà Nội, Sài Gòn. Cơn mưa giá lạnh ngày đông và cái rét 12 độ có lẽ đã cản bước nhiều người xuống đường. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Đội tuyển không thể lật úp chảo lửa Bukit Jalil sau khi phá lưới đối phương tới 2 lần mới là lý do chính của sự hụt hẫng ấy…  

Quý độc giả đang đọc bài viết này có lẽ cũng cùng chung cảm nhận này: tiếc và tức. Tiếc vì không thể thắng dù có cả nửa tá cơ hội ăn bàn, tức vì trọng tài quá nhẹ tay trước lối chơi cơ bắp của đội chủ nhà. Nhưng cứ thử nghĩ mà xem, có đúng là 90 phút trên chảo lửa Bukit Jalil thực sự đáng tiếc đến vậy với đoàn quân áo đỏ?

Ghi 2 bàn trên sân khách, dẫn trước tới 2/3 thời gian thi đấu, vượt trội về số cơ hội ăn bàn. Ngay cả báo chí quốc tế cũng phải nghiêng mình thán phục rằng Việt Nam chơi quá bình tĩnh. Mà chảo lửa Bukit Jalil là đâu? Xin thưa, đó là nơi người Thái chưa một lần chiến thắng trở về, cũng là nơi chôn vùi rất nhiều anh tài Đông Nam Á. Đội chủ nhà là ai? Xin thưa, họ vừa hạ nốc ao đương kim vô địch Thái Lan, họ là những chú hổ khát máu thực thụ. Cổ động viên Malaysia là ai? Xin thưa, 8 vạn người lấp đầy sân Bukit Jalil kia là những “Ultra” cuồng nhiệt nhất nhì Châu Á, thậm chí cả thế giới. Các chàng trai của chúng ta tuổi mới đôi mươi, hãy còn trẻ lắm, thế mà đôi chân đã đứng vững suốt 90 phút trên “thánh địa” của người Mã. Chẳng đáng phục lắm sao?

Ấy vậy mà vẫn còn có người hậm hực: “Nhưng nếu Đức Chinh không bỏ lỡ tới 3 cơ hội thì mọi chuyện đã khác!”. Với một chữ nếu, người ta có thể cho cả Paris vào một cái chai. Cũng với chữ “nếu” thần kỳ ấy, hàng triệu người có lẽ cũng muốn chơi lại chung kết SEA Games 2009 hay bán kết AFF Cup 2014, nơi chúng ta đã thua thảm người Mã, nơi giới mộ điệu đã rơi không biết bao nhiêu nước mắt tủi hận. Đức Chinh không có lỗi. Ví thử thay Chinh bằng một chân sút khác, mọi chuyện có tốt hơn lên không? Mổ lại băng hình trận đấu, bạn sẽ thấy Đức Chinh đã chơi tốt tất cả các “miếng” của một tiền đạo: tốc độ bứt phá, chọn vị trí, tì đè, chỉ thiếu một chút nhạy cảm để ghi tên mình lên bảng tỉ số. Ông Nguyễn Sỹ Hiển, cựu danh thủ Thể Công nói rất đúng: “Nếu không phải Hà Đức Chinh, chắc gì có cơ hội mà bỏ lỡ!”.

Đức Chinh tiếc nuối khi bỏ lỡ cơ hội. (Ảnh: zing.vn)

Xưa nay, hễ nhắc đến tiền đạo, người ta luôn mặc định ấn cho anh nhiệm vụ chủ chốt là phải săn bàn. “Tiền đạo mà không biết ghi bàn thì còn chơi cái nỗi gì?”, rất nhiều người có cùng lối nghĩ như vậy. Nhưng trên sân cỏ, có rất nhiều tiền đạo không biết ghi bàn nhưng vẫn chính là trung phong, đầu lĩnh của toàn đội. Trong chiến thuật bóng đá, có một dạng tiền đạo gọi là “Target man”, nôm na là “người làm tường”. Anh ta đá cắm cao nhất, dùng thể lực, sức tì đè và chiều cao vượt trội của mình để làm tường, kiến tạo hoặc gây sức ép lên hàng thủ đối phương.

Đội tuyển Pháp đã vô địch World Cup năm nay bằng chính một “Target man” như thế: Olivier Giroud. Suốt 7 trận, trải qua 546 phút thi đấu, Giroud không ghi được bất cứ bàn thắng nào, mỗi trận trung bình chỉ sút trúng cầu môn 2 lần. Nhưng giả dụ thiếu đi Giroud, người Pháp chưa chắc đã kết thúc được 20 năm chờ đợi mòn mỏi cúp vàng thế giới. Giroud “chân gỗ” nhưng huấn luyện viên vẫn tin dùng anh trọn vẹn cả mùa World Cup. Tiền đạo giỏi chưa chắc đã là người ghi bàn hay nhất, nhiều nhất!

Lại có người cho rằng dẫn trước 2 bàn rồi để bị ngược dòng và ép cho đến nghẹt thở đến những giây cuối trận thực sự là thảm họa! Tôi thấy thảm họa thực sự trong bóng đá không phải ở kết quả, mà chính nằm ở tinh thần. Người ta sẵn sàng dành lời khen ngợi cho một đội bóng bại trận, chỉ cần họ chơi bóng đến hơi thở cuối cùng, chơi một trận quật cường và ngẩng cao đầu, chơi một thứ bóng đá đầy đam mê và kỳ diệu. Ngược lại, nếu một đội bóng cứ muốn có được chiến thắng bằng mọi giá mà bất chấp thủ đoạn, chẳng có chút khí phách thượng võ nào, tôi không dám chắc họ nhận được những lời tưởng thưởng.

Bạn còn nhớ chăng, một Hà Lan hào hoa phong nhã, một Hà Lan bay bổng tuyệt vời từng hai lần liên tiếp vào đến chung kết World Cup năm 1974 và 1978 rồi cuối cùng bại trận đầy tiếc nuối trước sự toan tính của người Đức và Argentina. Họ thua trận, mất cúp vàng nhưng trở thành những kẻ thất bại vĩ đại nhất lịch sử. Đừng bảo rằng chỉ có kẻ chiến thắng mới được nhớ đến. Thất bại cũng có cái đẹp riêng, cái đẹp của sự tiếc nuối. Chẳng phải có nhà thơ đã từng viết như vậy hay sao: “Tình chỉ đẹp khi hãy còn dang dở/ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”?

Dù trong hoàn cảnh nào chỉ cần giữ vững một trận quật cường, ngẩng cao đầu thì chúng ta luôn là người chiến thắng. (Ảnh: hoahoctro.vn)

Dẫu có thua trận ở Bukit Jalil, người hâm mộ Việt cũng chưa đến mức phải nâng mức báo động lên thành thảm họa. Vấp ngã, ở một khía cạnh nào đó, là động lực để người ta rũ bùn đứng dậy mạnh mẽ hơn. Hãy nhớ lại trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014, Việt Nam của ông Toshiya Miura đã thắng oanh liệt 2-1 ngay trên “thánh địa” Bukit Jalil, làm câm nín 8 vạn Ultra Malaysia. Nhưng rồi ở lượt về, đoàn quân áo đỏ thảm bại 2-4 ngay trên sân nhà Mỹ Đình. Thảm họa ấy bắt đầu bằng một dấu hiệu không thể tích cực hơn: chiến thắng trên sân khách, ghi tới 2 bàn.

Bởi thế, trận hòa 2-2 của thầy trò ông Park chưa hẳn là điềm rủi. Nó vừa đủ cho các cầu thủ có một điểm tựa lợi thế trước trận lượt về, cũng vừa đủ để cả thầy lẫn trò không thể chủ quan khinh địch, lại vừa đủ để người hâm mộ phấp phỏng, hồi hộp, thưởng thức hương vị nguyên vẹn của một trận chung kết. Nhiều người cũng cho rằng: “Việt Nam thắng 2-0 thì còn gì để xem lượt về nữa!”.

Năm nay, Việt Nam đến với sân chơi khu vực trong một hình hài, diện mạo trẻ trung, thanh xuân đầy sức sống. Nòng cốt của đội tuyển chính là lứa U23 từng tạo nên những cơn địa chấn ở giải U23 châu Á và Asiad 2018. Họ còn trẻ lắm, khí chất bừng bừng, bay bổng thanh xuân. Kìa “cậu út” Văn Hậu, tuổi mới 19, hào hoa phong nhã bên cánh tả, kìa Đình trọng mới 21 tuổi, lãnh xướng hàng thủ can trường, kìa Duy Mạnh 22 tuổi máu lửa, lăn xả như chiến binh, này là Đức Huy 23 tuổi, xé lưới hổ Mã Lai bằng siêu phẩm để đời, này là Quang Hải nhỏ thó mà tả xung hữu đột trước những gã khổng lồ sức tựa hùm beo…

Những chàng trai ấy mới đáng yêu, đáng phục làm sao! Những chàng trai ấy đang gánh vác sứ mệnh vươn ra biển lớn của cả mấy chục triệu trái tim khao khát bóng đá, khao khát vinh quang. Họ xứng đáng nhận được một lời chúc phúc. Vì tất cả, xin cảm ơn những chàng trai trẻ!

Văn Nhược


 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ