Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
Bảng nhãn Lê Quý Đôn đối với Phật giáo qua bài văn chuông ở chùa Phúc Khánh
(Cập nhật ngày: 15/03/20 12:03 PM)
 

Lê Quí Đôn (1726 – 1784) tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường còn có tên là Lê Danh Phương, người xã Diên Hà, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông là người thông minh, học rộng, hiểu sâu; từ thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu. Khoa thi năm Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) đời vua Lê Hiển Tông, Lê Quí Đôn thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh, rồi được bổ làm quan, lần lượt giữ các chức như: Thị thư ở Viện Hàn lâm, Thừa chỉ tước Dĩnh Thành bá, lại thăng Nhập thị Bồi tụng, Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Dĩnh Thành hầu; rồi giáng làm Thị lang Bộ Lễ, Tham tri kiêm Trấn thủ xứ Thuận Quảng. Sau ông lại được mời về kinh đô và giữ các chức như Tả Thị lang Bộ Hộ, Đô ngự sử, tước Nghĩa Phái hầu; rồi được cử làm Hiệp trấn Nghệ An, khi về kinh đô lại giữ chức Đô ngự sử. Ông từng được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công, gia phong Dĩnh Quận công. Lê Quí Đôn biên soạn nhiều sách về các lĩnh vực: Triết học, Kinh tế, Văn học, Sử học…Ngoài ra ông còn soạn văn bia, văn chuông ở các di tích: văn miếu, đền, chùa…tại các địa phương.

Quả chuông do Lê Quí Đôn soạn bài minh hiện được lưu giữ tại chùa Phúc Khánh, thôn Phúc Lộc, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. “Phúc Khánh tự hồng chung trùng tạo” có lẽ là bài văn chuông duy nhất của Bảng nhãn Lê Quí Đôn hiện còn. Đây là bài luận về Phật học xuất sắc và rất có giá trị, qua bài văn chuông này có thể thấy Lê Quí Đôn là người rất am hiểu về Phật giáo, có kiến thức Phật giáo sâu rộng, ông hiểu tường tận triết lý sắc không trong đạo Phật: “Âm thanh của bản tính là chân không, cái không của bản tính lại là chân âm, thanh âm của pháp khí cũng giống như vậy. Quả chuông này lúc trước bị hỏng mà không có tiếng, nhưng chẳng phải thật không có tiếng đâu, cái tính vốn sẵn của nó vẫn còn. Nay đúc lại mà có tiếng, chẳng phải bỗng nhiên có tiếng, cũng là do cái tính vốn sẵn đó còn. Cái bản nguyên của tiếng chuông hòa vào vũ trụ, ngụ ở hình khí, theo hư không mà có, theo hư không mà không, chưa bao giờ có, chưa bao giờ không”.

Ông hiểu được tính nhân duyên trong Phật giáo và vận dụng một cách rất tài tình: “Con người dựa vào âm thanh mà phát mở nhĩ căn, tùy duyên tu tập hiểu được tính nhân làm cho thân tâm thanh tịnh, bỗng thoát khỏi cõi trần nhơ bẩn, vượt lên nhận ra cả cõi không mà giác ngộ được chính giác cao nhất”.

Ông là người theo Nho học nhưng cũng thường xuyên đọc Kinh phật, nghiên cứu đạo Phật:

“Ta thường đọc Kinh Lăng Nghiêm, có nói rằng: “Cái thể của chân giáo phương này thanh tịnh, chính ở âm thanh nghe được, muốn có được Tam ma đề, ắt phải bằng con đường nghe thấy”. Những điển tích của Phật giáo trong bài minh chuông được ông sử dụng rất chính xác, chuẩn mực: Tam ma đề, lục trần, pháp môn, Tam muội, Bồ đề, Song Lâm, Phạm âm…Sau đây là toàn văn bài minh chuông chùa Phúc Khánh (Bài dịch).

Bài minh chuông ở chùa Phúc Khánh, xã Phúc Lộc, huyện Đông Quan, phủ Thái Bình và lời tự dẫn.

Ta thường đọc Kinh Lăng Nghiêm, có nói rằng: “Cái thể của chân giáo phương này thanh tịnh, chính ở âm thanh nghe được, muốn có được Tam ma đề (1), ắt phải bằng con đường nghe thấy”. Ta chợt giác ngộ mà than rằng: Chí lý thay! Nghe được lời huyền diệu đầy ở trong tai. Tuy ở trong lục trần (2) mà muốn giác ngộ pháp môn (3), tất phải qua đôi tai làm sáng tỏ Tam muội (4), tâm tự tại thì mới đạt được thành tựu Bồ đề (5), phàm là nhất động, nhất tĩnh, nhất thanh, nhất âm đều có thể dấy lên, có được cơ duyên mà trở thành cảnh trí bình thường. Vậy nên đức Phật ta mở mang đại pháp, tuyên giảng từ bi, dậy bảo tiên âm, khiến cho người ta nghe theo mà nhập đạo. Từ khi đắc đạo ở Song Lâm (6), thì ý nghĩa sâu xa của đạo pháp được ghi lại trong kinh sách, do vậy mà tiếng sóng Phạm âm (7) không phải kẻ tầm thường có thể nghe được. Điều nghe thấy được thể hiện ra ắt phải nhờ vào pháp khí, tức quả chuông này vậy. Nay xem quả chuông lớn thể tròn, hình cứng khi đánh lên thì thông suốt trần gian, cảm động tới cả cõi người, cõi trời, giúp người ta dứt bỏ ý nghĩ sai lầm và mở rộng tầm mắt cho con người. Tai nghe được tiếng này há chẳng sợ hãi mà nghĩ đến điều thiện, bỗng nhiên thấy bản tính dần ngộ được Tam đức (8) viên thông ư ? Ôi! Chân lý có sẵn thế mà người hiểu được, ít lắm. Quả chuông treo lên, chầy kình gõ vào, lúc yên lúc gõ mà không biết ai có thể giác ngộ, được tất cả âm thanh, tức là Như Lai tạng tính mà ngay lập tức giác ngộ qua đôi tai. Những người muốn chứng được ở chí đạo chính là dựa vào chỗ này đây.

Phía Đông Nam của làng ta có huyện gọi Đông Quan, có xã tên là Phúc Lộc. Xã có chùa, chùa có chuông, vốn do bọn viên mục Điện tiền trong ấp là Bùi Văn Phụng đã quyên góp tiền của đúc ra. Đến năm Canh Thân bị cướp phá nên chuông đã hỏng. Nay Văn Phụng siêng cần theo đạo, kế nối công xưa, kính cẩn hợp cùng quan viên sắc mục, già trẻ trong xã lại bỏ tiền của đề xướng lên, lại được thiện tín mười phương vui vẻ hưởng ứng, đúc thành một quả chuông lớn nặng 400 cân đặt ở lầu phía Tây của chùa. Bọn kỳ mục trong làng đến xin ta viết văn ghi lại. Ta nhận lời nói rằng: “Đây quả thực là việc thiện vậy”. Có lẽ bọn họ cũng biết về thuyết giáo của đại giác, mà có riêng một diệu lý: Âm thanh của bản tính là chân không, cái không của bản tính lại là chân âm, thanh âm của pháp khí cũng giống như vậy. Quả chuông này lúc trước bị hỏng mà không có tiếng, nhưng chẳng phải thật không có tiếng đâu, cái tính vốn sẵn của nó vẫn còn. Nay đúc lại mà có tiếng, chẳng phải bỗng nhiên có tiếng, cũng là do cái tính vốn sẵn đó còn. Cái bản nguyên của tiếng chuông hòa vào vũ trụ, ngụ ở hình khí, theo hư không mà có, theo hư không mà không, chưa bao giờ có, chưa bao giờ không. Con người dựa vào âm thanh mà phát mở nhĩ căn, tùy duyên tu tập hiểu được tính nhân làm cho thân tâm thanh tịnh, bỗng thoát khỏi cõi trần nhơ bẩn, vượt lên nhận ra cả cõi không mà giác ngộ được chính giác cao nhất. Còn như mong mỏi phúc điền ích lợi, khoa trương công đức viên thành, thì đó là những kiến thức tầm thường chẳng phải là thứ mà ta biết vậy. Mọi người đều cho là ta nói phải, nhân đó viết bài minh ghi lại.

Bài minh nói rằng:

Duy Giác Hoàng (9) ta,

Hiển hiện ánh sáng.

Chiếu khắp mười phương,

Giác ngộ người đời.

Thật ở tiếng nghe,

Hợp với bản chân.

Đại pháp viên thông,

Ngụ trong hình khí.

Duy chuông lớn này,

Người thấy đạo ít.

Ai là người biết,

Phát khởi cơ duyên.

Họ Bùi tín tâm,

Nối pháp âm này.

Ở ngôi chùa đó,

Thiện quả viên thành.

Tiếng chuông vang xa,

U mê giác ngộ.

Diệu âm tràn đầy,

Văn tính hiển hiện.

Vốn là tự nhiên,

Ta có một lời.

Xem lại nhĩ căn,

Học ta từ tôn.

Những người công đức để đúc chuông là Điện tiền Bùi Văn Phụng cùng vợ là Bùi Thị Pha, cập tiền Bùi Công Khanh hiệu Phúc Kế cùng vợ là Lương Thị Uỷ hiệu Diệu Thế, Tiền hậu thần Trần Đắc Phúc tự Phúc Thọ cùng vợ là Phạm Thị Thanh hiệu Diệu Kiên, Văn hội chủ huyện Thanh Lan xã Trừng Uyên là Thừa Trừng thọ nam Nguyễn Công Bằng cùng vợ và các thiện nam tín nữ cùng công đức.

Lại công đức để đúc chuông có: Điện tiền Bùi Văn Phụng tự Phúc Tịnh cùng vợ Bùi Thị Pha hiệu Diệu Vinh bỏ 25 quan tiền để mua đồng, thiếc đúc chuông, chỉnh biện 60 mâm thịt chín để cúng và làm 150 mâm cơm.

Các quan viên trong xã công đức: Thiêm tri Thị nội hộ phiên Tả trung cửu Phúc Trạch tử là Bùi Đình Túc, Thị hầu thuộc viên Thiêm Tổng tri Bùi Nguyễn Tuấn, Tổng tri Bùi Tử Diễn, Tri phủ Bùi Văn Trọng, Điện tiền Bùi Đăng Xuân; Phó thiên hộ Bùi Hữu Nghiêm, Huyện thừa Bùi Đình Tiêu, Bùi Văn Thẩm, Bách hộ Bùi Văn Hội, Tri bạ Bùi Đình Bảng, Tri sự Bùi Khắc Nghi, Phó sở sứ Bùi Đăng Truyền, Nho sinh Bùi Đình Tỏa, Xã trưởng Bùi Đình Mưu, Sinh đồ Bùi Nguyễn Xiển, Hương lão Bùi Văn Tuân, Bùi Vũ Nghi cùng già trẻ trong xã, các danh nhân, tổng cộng là 150 quan.

Các tín nữ trong xã công đức: Bùi Thị Gia, Bùi Thị Vịnh, Bùi Thị Di, Cao Thị Túc tổng cộng 3 quan 2 mạch.

Các vị danh nhân trong huyện xã công đức: Huyện thừa xã Hạ Liệt là Cao Đắc Học, Cao Đắc Diên công đức 1 quan 2 mạch; Tri bạ xã Ngô Xá huyện Nam Xương là Trần Hữu Tri công đức 2 quan; Cai hợp xã Văn Xá huyện Thanh Oai là Phùng Hữu Dực công đức 1 quan; Chu Văn Thông ở huyện Trân Định xã Trà Lý công đức 1 quan; Bùi Vương Trướng công đức 6 mạch; các vị danh nhân, thiện nam tín nữ thập phương công đức 35 quan.

Ngày 16 tháng 5 năm Quý Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753).

Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh khoa Nhâm Thân làm chức Thị thư ở Viện Hàn lâm là Lê Quí Đôn tự Doãn Hậu người Diên Hà soạn.

Tóm lại, bài văn chuông của Bảng nhãn Lê Quí Đôn ở chùa Phúc Khánh là bài văn chuông mẫu mực, ít có bài văn chuông nào hay như thế. Qua bài văn chuông này có thể thấy ông cũng là người hiểu tường tận những triết lý sâu sa, mầu nhiệm của đạo Phật. Bài văn chuông này cho thấy một góc nhìn mới về nhà bác học Lê Quí Đôn – góc nhìn Phật giáo. Đây là trước tác quan trọng về Phật giáo của nhà Bác học Lê Quí Đôn. Bài văn chuông được Lê Quí Đôn soạn năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753) tức là năm ông 27 tuổi, sau khi ông đỗ Bảng Nhãn được một năm. Lúc đó ông đã được bổ nhiệm giữ chức Thị thư ở Viện Hàn lâm, công việc nhiều vậy mà ông vẫn quan tâm đến văn hóa tín ngưỡng ở làng xóm, điều này cho thấy tình cảm của ông đối với quê hương Thái Bình rất nồng nàn. Việc ông soạn bài minh chuông cho chùa Phúc Khánh cũng chứng tỏ rằng Lê Quí Đôn là người có quan điểm dung hòa về đạo Nho và đạo Phật chứ không cực đoan như một số nhà nho khác. Ông là người theo Nho học nhưng cũng hiểu được tính tích cực của Phật giáo, thường xuyên đọc kinh Phật để mở rộng tri thức. Chính vì sự ham hiểu biết, ham học, đọc mọi sách vở này mà ông đã trở thành nhà bác học lớn của nước ta, ông được coi là “tập đại thành” của tri thức Việt Nam thế kỉ thứ XIII, đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Nói như Phan Huy Chú: “Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia”.

Tác giả: Phạm Minh Đức – Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2019
—————————
CHÚ THÍCH:
1. Tam ma đề: Hết thảy Thiền định nhất tâm, sáng suốt, còn dịch là Tam muội.
2. Lục trần: chỉ 6 cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu cảnh này do 6 căn là mắt, tai v.v… mà nhập vào thân làm ô nhiễm tịnh tâm nên gọi là Trần. Kinh viên giác viết: “Nhận sằng Tứ đại là tướng tự thân. Sáu trần duyên ảnh mà là tướng tự tâm”.
3. Pháp môn: Những lời nói của Phật làm chuẩn tắc cho đời, gọi là Pháp. Pháp đó là chỗ chung cho cả chúng nhân và thánh nhân nhập đạo, cho nên gọi là Môn (cửa). Lại có nghĩa: các pháp đều thông tới một thực thể, cho nên gọi là Môn; lại có nghĩa là nơi Như Lai thánh trí đi về, cho nên gọi là Môn.
4. Tam Muội: Samàdi (thuật ngữ). Từ dịch âm từ tiếng Phạn, xưa dịch âm là Tam muội, Tam ma đề, Tam ma đế. Tam muội vốn là pháp tu dưỡng của nhà Phật. Nay nói về các sự vật huyền diệu cũng gọi là Tam – muội.
5. Bồ Đề – Bodhi (thuật ngữ). Cũ dịch là Đạo, mới dịch là Giác. Đạo nghĩa là thông suốt, giác nghĩa là giác ngộ. Bồ đề của Phật gồm cả Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí, cho nên gọi là Đại Bồ – đề.
6. Song lâm – Tạp danh. Hai cây Sa – la (khu rừng mà Đức thế tôn nhập diệt ở giữa 2 cây Sa la).
7. Phạm âm (thuật ngữ): giọng nói, âm thanh của bậc Đại phạm Thiên vương. Có năm loại thanh tịnh âm. Đó là: 1. Tiếng nói chính trực; 2. Tiếng nói hòa nhã; 3. Tiếng nói trong trẻo; 4. Tiếng nói sang sảng; 5. Tiếng nói vang ngân, ở nơi xa cũng nghe thấy. Đủ năm đặc tính này gọi là Phạm âm”.
8. Tam Đức: Ba đức (số). I. Kinh Niết bàn nói Đại Niết bàn có đủ ba đức: 1. Pháp Thân đức: Là bản thể của đức Phật lấy pháp tính thường trụ bất diệt làm thân; 2. Bát nhã đức: Bát nhã dịch là Trí tuệ, là cái Pháp tướng thật giác ngộ trọn vẹn; 3. Giải thoát đức: Xa rời mọi sự trói buộc mà được đại tự tại. Ba đức trên mỗi đức lại có bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh, nên gọi là Tam đức. Và ba đức này là bất nhất bất dị, chẳng dọc chẳng ngang, như ba chấm chữ y, như ba mắt của Thư la thiên, gọi là Bí mật tạng của đại Niết bàn. Thông thường gọi là Hỉ, Ưu, Ám. Tự tính có ba đức ấy, nên sinh ra đủ mọi loại pháp thiện, ác, đẹp, xấu.
9. Giác Hoàng (thuật ngữ). Cũng gọi là Giác vương, chỉ đức Phật. Sách thích môn chính thống, q8: “Lòng tốt của Giác Hoàng là muốn đưa thiên hạ lên cõi nhân thọ”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Từ điển Phật học. tập 1, 2. Phân viện Nghiên cứu Phật học, 1994.
2. Từ điển Nho Phật Đạo. Lao Tử – Thịnh Lê chủ biên, Nxb. Văn học, 2001.
3. Trịnh Khắc Mạnh: Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2002.
4. Lược truyện các tác gia Việt Nam. Trần Văn Giáp chủ biên, Nxb. Văn học, 2000.

(Theo tapchinghiencuuphathoc.com)


 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ